Người hâm mộ điện ảnh Bắc Mỹ hẳn chưa thôi ngỡ ngàng với những gì đạo diễn Damien Chazelle làm với Whiplash hai năm trước. Dư âm phần trình diễn màn solo trống dài gần 10 phút của nhân vật mê nhạc trong tác phẩm cũ dường như chưa nguôi ngoai. Năm nay, nhà làm phim tiếp tục khiến khán giả bồi hồi bởi những “kẻ khờ mộng mơ” khác trong tác phẩm nhạc kịch mới. La La Land, sau nhiều năm ấp ủ, là dấu ấn mới trong sự nghiệp của đạo diễn 31 tuổi.
Lấy bối cảnh thành phố quyến rũ như một cô gái trẻ đang yêu là Los Angeles, La La Land làm khán giả mê đắm từ năm phút đầu với trường đoạn “khởi động” mang giọng điệu thôi thúc. Trong khi hàng trăm chiếc xe chết cứng tại một nút tắc đường và giao thông dường như đóng băng, bất ngờ những gương mặt trong xe giãn ra tươi tắn. Một người, hai người rồi cả đoàn người nối đuôi nhau hoà nhịp theo vũ điệu ca khúc Another Day of Sun. Cả thành phố như bừng tỉnh, nhún nhảy theo. Bằng cách đó, Damien Chazelle dựng lên một sân khấu broadway ngoài trời lớn.
Hai nhân vật chính của câu chuyện là Seb (Ryan Gosling) và Mia (Emma Stone). Họ, hai kẻ rụt rè, ôm trong mình những giấc mơ nghệ thuật. Seb - nghệ sĩ tôn thờ nhạc Jazz cổ điển - biểu diễn phòng trà để kiếm sống qua ngày. Mia - diễn viên trên đường tìm kiếm vai diễn đầu đời - làm thêm tại quán cafe. Một người ước mơ mở câu lạc bộ Jazz để bảo tồn thứ âm nhạc anh cho là đích thực và đang dần bị giết chết. Một người ước mơ trở thành ngôi sao Hollywood, được công chúng bước đến, cười chào. Họ dạo bước bên nhau, đi qua màn đêm của tuổi trẻ. Những lo toan, khổ nhọc ở rất xa phía dưới ngọn đồi, nơi ánh đèn thành phố leo lét và những thanh âm ồn ào, náo nhiệt nín bặt giữa thinh không. Đôi bàn chân của họ lướt như băng trên những giai điệu trong sáng vô ngần của Someone In The Crowd và City of Stars.
Trường đoạn giả tưởng khiêu vũ giữa các vì sao của hai vũ công không chuyên - Ryan và Emma - làm thoả mãn người mê truyện cổ tích. Trong phút chốc, Los Angeles trở về đúng nghĩa thành phố của những thiên thần. Tình yêu, những rạo rực, say mê về cuộc đời vẫn vẹn nguyên qua lăng kính màu hồng đồng thời chắp cánh nâng bổng bộ đôi nhân vật vượt khỏi mặt đất. Bay bổng và phi lí, tác phẩm chứng minh tuổi trẻ và tình yêu là phép màu lung linh nhất mà tạo hoá đã ban cho mỗi người.
|
Poster "La La Land".
|
Không chỉ thuần túy làm nền cho câu chuyện, nhạc Jazz trong phim trở thành một nhân vật đặc biệt. Ngoài việc mạnh tay đưa vào cùng lúc một danh sách các thể loại từ Jazz cổ điển đến Jazz hiện đại, pha trộn ngẫu hứng cùng R&B, Pop và dàn nhạc điện tử, Damien Chazella tỏ ra khá tinh ý khi dựng lại bối cảnh khá hoàn hảo của những buổi biểu diễn nhạc Jazz chuẩn mực. Đó là những phòng trà ở tầng hầm thấp, tối và kín chơi thâu đêm suốt sáng. Đó là những nghệ sĩ da màu mập mạp thổi kèn hàng phút không mở mắt, trán đẫm mồ hôi. Đó là rượu tràn và khói thuốc mù mịt. Một khung cảnh vừa thân quen, vừa xúc động dễ làm người yêu nhạc nhớ đến thời của Louis Amstrong, hay bật cười khi nghĩ lại những cuộc vui sóng sánh tiếng kèn và những bản nhạc Jazz bất hủ trong On The Road (Trên đường) của Jack Kerouac.
Câu chuyện về Jazz đối với số đông sẽ dừng lại ở mối băn khoăn giữa đam mê và gánh nặng cuộc đời của chàng khờ đa tài. Nhưng đối với những người yêu nhạc Jazz, đó còn là niềm tiếc nuối khi nhìn thấy thứ âm nhạc đẹp đẽ, thuần khiết đang dần phai nhạt trong dòng xoáy thác lũ của âm nhạc hiện đại. Nhân vật nam chính của phim mang những tâm sự giống chàng nghệ sĩ nhạc Rock trong Only Lovers Left Alive (Jim Jarmusch), rằng anh cảm thấy đau lòng khi phải nghe thứ nhạc Rock hỗn độn của một thời đại khác. Ước mơ mở một câu lạc bộ nhạc Jazz của Seb không đơn giản chỉ là để nuôi dưỡng đam mê. Với Seb, đó còn là tham vọng của một kẻ tôn thờ Jazz cổ điển (pure Jazz).
|
Một cảnh phim trong đó Ryan Gosling và Emma Stone hòa mình vào không gian nhạc Jazz.
|
Ngoài ý tưởng về nhạc Jazz xuyên suốt, 70% thành công của La La Land là nhờ phần âm nhạc dẫn dắt tuyệt vời sợi dây cảm xúc từ đầu đến cuối bộ phim. Các ca khúc trong phim, không được biên tập lại trên nền nhạc có sẵn như trong Whiplash, đều do người bạn của đạo diễn - Justin Hurwitz - sáng tác và tuyển chọn theo mạch truyện và tình huống. Những trường đoạn nhạc kịch vì thế tự thân đều là các mẩu đối thoại âm thanh lôi cuốn. Các ca khúc như City of Stars, Someone In The Crowd, Another Day of Sun... được dàn dựng công phu không kém MV chuyên nghiệp của ca sĩ hay nhà sản xuất nào.
Emma Stone và Ryan Gosling vốn tuyệt vời trong Crazy, Stupid, Love nhưng lần này, cách họ sóng đôi vẫn sẽ khiến không ít diễn viên khác ghen tỵ. Khả năng biểu cảm gương mặt tốt cùng vũ đạo ngoài mong đợi, Emma Stone mang đến một Mia tràn trề sức sống trong từng bước nhảy, từng cú hất cằm, nhún vai theo điệu nhạc. Ryan Gosling dù có lịch lãm, điềm đạm một ngàn lần nữa vẫn không làm khán giả chán bởi vẻ tình tứ, ân cần trong từng ánh nhìn.
|
Cảnh nhảy trong đêm của cặp sao chính.
|
Trang phục và tạo hình thống nhất cũng tôn lên sự duyên dáng của bộ đôi dự đoán là đẹp nhất màn ảnh năm nay. Emma Stone tự nhiên, sinh động và tươi mới trong những chiếc sơ mi trắng kiểu cổ điển. Những chiếc đầm xoè đơn sắc để tung bay theo từng điệu vũ được thiết kế riêng khéo khoe phần vai và lưng gợi cảm của người đẹp. Trong khi đó, Ryan Gosling trung thành với những bộ suit lịch lãm, giúp làm cân bằng với bạn diễn khi họ nắm tay xoay vòng thể hiện các bước nhảy.
Bộ phim đi theo chu kỳ bốn mùa trong năm như vòng tuần hoàn yêu đương nhưng có lẽ phù hợp hơn để xem vào dịp Giáng Sinh. Bởi lẽ, khoảnh khắc hai “kẻ dại khờ” tìm thấy nhau dưới ánh đèn vàng, giữa mùa Giáng Sinh rộn ràng, ấm áp là khoảnh khắc đáng nhớ. Bất kể câu chuyện tình yêu của họ sau này có kết thúc thế nào, ngay lúc ấy, ở giữa đại lộ thênh thang của tuổi trẻ, họ đã yêu và được yêu theo cách thuần khiết và si mê.
Nếu như tác giả Mario Puzo của Bố già từng nói rằng những kẻ ngốc phải chết, phim của đạo diễn Damien Chazelle khẳng định những kẻ dại khờ được yêu
.